Danh tiếng Thích Chân Quang “ngỏm củ tỏi”, Đại học Luật Hà Nội vớ được phao cứu sinh!

Ngày 7/8, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chính thức, thông báo rằng:

“Kết thúc quá trình điều tra, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, như sau:

Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Bổ túc Văn hóa cấp ba, năm 1989, của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh;

Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba Bổ túc Văn hóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.”

Như vậy, văn bản kết luận của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đóng chiếc đinh cuối cùng vào danh tiếng của ông Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang. Ông Việt đã dùng bằng giả để lấy những tấm bằng cao hơn.

Thời gian qua, dư luận đã đặt nhiều dấu hỏi về bằng cấp của ông Thích Chân Quang, trong đó, khả nghi nhất là tấm bằng Tiến sĩ Luật. Đây là bằng do Đại học Luật Hà Nội cấp cho ông Vương Tấn Việt, chỉ sau 2 năm nghiên cứu sinh, trong khi, luật quy định phải học 4 năm toàn thời gian.

Điều đáng nói là, thời gian ông Việt theo học tiến sĩ, chính là 2 năm Việt Nam chống chọi với dịch Covid, với những lệnh cách ly. Ngoài ra, một chuyên gia từng là hiệu phó một trường đại học danh tiếng, đã chứng minh, trong 2 năm đó, ông Thích Chân Quang đã có những hoạt động tôn giáo khắp Việt Nam. Ông không thể học tiến sĩ toàn thời gian trong lúc đi khắp nơi như vậy.

Có thể nói, bằng chứng về việc “mua bán” bằng cấp của Đại học Luật Hà Nội, là quá rõ ràng. Dư luận đòi hỏi phải có một cuộc điều tra đối với ngôi trường này. Tuy nhiên, đã qua nhiều tháng, cả Bộ Giáo dục và trường Đại học Luật Hà Nội đều im thin thít. Họ không thể phản bác những bằng chứng rõ ràng từ dư luận, nhưng họ cũng không chịu thừa nhận sai trái.

Có thể nói, văn bản kết luận nêu trên như là cái phao, cứu lấy “tên tuổi” của Đại học Luật Hà Nội. Ngay sau khi có văn bản nêu trên, Đại học Luật Hà Nội đã nhanh nhảu lên sóng, trả lời công luận rằng:

“Theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo đối với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp, sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.”

Điều đáng nói là, trường này đã im lặng suốt một thời gian dài, bất chấp áp luật của dư luận. Nhưng ngay khi vớ được chiếc phao cứu sinh từ Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, thì lập tức lên sóng. Có thể nói, Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã cứu lấy danh dự của Đại học Luật Hà Nội, vào ngay “phút thứ 89”.

Sai phạm của Đại học Luật Hà Nội bị dư luận nghi ngờ, không chỉ ở tấm bằng Tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt, mà còn ở bằng Tiến sĩ Luật của ông Tô Lâm – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, và của người em họ phía vợ ông Tô Lâm là ông Vũ Hồng Văn. Hiện chưa có hình ảnh về bằng Tiến sĩ Luật của Tô Lâm và ông Vũ Hồng Văn, để có sự phân tích chuẩn xác, nhưng theo suy luận của một số nhà phân tích, những tấm bằng đó chỉ có thể do Đại học Luật Hà Nội cấp.

Nếu là nhà nước pháp quyền, thì dù Đại học Luật Hà Nội có hủy bằng Tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, thì chính quyền vẫn điều tra sai phạm của trường này. Bởi đây là khối ung nhọt rất nguy hiểm cho nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, với những quan to đầu Đảng đang sở hữu bằng Tiến sĩ Luật của trường này, thì ắt hẳn, chẳng ai dại mà xông đến điều tra. Đặc biệt, khi Bộ Công an lại nằm trong tay Tô Lâm, thì lại càng không có chuyện sẽ điều tra vụ này đến nơi đến chốn.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de