Phải chăng, Tô Tổng đang “xuống sức” do lực bất tòng tâm?

Sau một thời gian được cho là “lần lữa”, cuối cùng, truyền thông nhà nước Việt Nam, chiều ngày 15/8, đã đưa tin, Tô Tổng và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, trong 3 ngày, từ ngày 18 đến 20/8.

Trên cương vị Tổng Bí thư, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, ông Tô Lâm đang đối diện tình thế “nội công, ngoại kích”. Theo đó, một số cá nhân và phe cánh trong Đảng đang nỗ lực ngăn cản ý định “nhất thể hoá” của ông.

Trong chuyến đi Bắc Kinh lần này, liệu Tô Tổng có chấp nhận “vận mệnh chung với Trung Quốc” – một di sản trong mối quan hệ Việt – Trung do Tổng Trọng để lại hay không? Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ông Tô Lâm, vì ông buộc phải có câu trả lời, dù muốn hay không.

Theo một số nhà phân tích quốc tế, Tô Tổng có nhiều biểu hiện muốn theo đuổi mô hình của Cộng hòa Liên bang Nga, dưới thời trị vì của Tổng thống Putin hiện nay.

Trong khi đó, nguồn tin nội bộ của Thoibao.de cho biết, Tô Lâm sẽ thôi chức Chủ tịch nước, và chỉ giữ chức Tổng Bí thư. Đại tướng Lương Cường sẽ lên làm Chủ tịch nước.

Những điều này cho thấy sự suy yếu trong quyền lực của tân Tổng Bí thư. Ông không thành công trong việc thực hiện ý đồ nhất thể hóa 2 chức danh TBT và Chủ tịch nước.

Đáng chú ý, sáng 16/8, truyền thông nhà nước đưa tin, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân ngày 19/8, Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, tặng bức ảnh “Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cho Đại tướng Phan Văn Giang, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Tướng Giang, thay mặt Quân ủy Trung ương, cũng tặng bức ảnh “Bác Hồ với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn” cho Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

Tại sao Tướng Giang lại thay mặt Quân ủy Trung ương, trong khi, mặc nhiên Tô Tổng là Bí thư Quân ủy Trung ương? Phải chăng, Tô Tổng vẫn chưa thực sự kiểm soát được quyền lực đối với Quân ủy Trung ương?

Việc này diễn ra trong bối cảnh, nội bộ cấp cao của Đảng đang có sự chia rẽ sâu sắc, Tô Tổng đang phải đối diện với thế trận “thập diện mai phục”. Cụ thể, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đã có những cú bắt tay “dưới gầm bàn” giữa phe Nghệ An và các tướng lĩnh quân đội, đang cùng nhau cầu cứu sự giúp đỡ của Ban lãnh đạo Bắc Kinh.  Dù rằng, đã có nhiều chỉ dấu cho thấy, ông Tô Lâm và phe cánh đã có một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, để “tảo thanh” phe Nghệ An và Hà Tĩnh, theo phương châm “đào tận gốc, trốc tận rễ” hệ thống chân rết quyền lực của Tổng Trọng.

Trong một diễn biến khác, tại Hội nghị gặp mặt các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước, ngày 15/8, có một điều bất ngờ là sự vắng mặt không rõ lý do của ông Tư Sang – cựu Chủ tịch nước.

Ngoài ra, còn có sự vắng mặt hết sức “bất thường” của một loạt các cựu lãnh đạo cấp cao, từng ngồi ghế “Tứ trụ” của Đại hội 13 – những nạn nhân bị ông Tô Lâm cưa ghế, gồm các ông bà: Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai.

Đây là những nhân vật lãnh đạo, đứng đầu các phe nhóm chính trị lớn trong Đảng, với một hệ thống chân rết sâu rộng. Sự liên kết của các cá nhân, cũng như các phe cánh vừa kể, có thể sẽ trở thành một thách thức không nhỏ đối với Tô Tổng Bí.

Việc ông Tô Lâm phải chấp nhận “nhả” ghế Chủ tịch nước cho phe tướng lĩnh quân đội, cũng như việc ông “trùm” Trần Cẩm Tú trở thành Thường trực Ban Bí thư như đồn đoán, thì đó là những mối đe dọa đối với ông Tô Lâm.

Theo một số nhận định, ông Tô Lâm có ý đồ loại bỏ những nhân vật kể trên là điều có thật, nhưng Tô Tổng lại “lực bất tòng tâm”.

Từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn hơn 16 tháng. Đó là thời gian để các cá nhân và phe cánh trong Đảng, cũng như tân Tổng Bí thư Tô Lâm bằng nỗ lực cao nhất của mình, để có thể lật ngược thế cờ.

 

Trà My – Thoibao.de