Phải chăng giấc mộng làm Putin Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm đã bất thành?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường đến Hoa Kỳ, để tham dự các hoạt động tại Liên Hợp Quốc, và sẽ thăm cấp nhà nước đến Cuba, từ ngày 21 đến 27/9.

Đây là chuyến đi Mỹ, cũng như Cuba, đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trên cương vị mới. Lần đến Mỹ cuối cùng của ông Tô Lâm là vào năm 2019, trên cương vị Bộ trưởng Công an Việt Nam.

Theo giới thạo tin, chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đã có nhiều sự thay đổi lớn so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Ông Tô Lâm không có chuyến viếng thăm chính thức Mỹ,  như mong muốn của ông trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Để khỏa lấp cho sự thất bại, một biện minh được đưa ra, là chưa đầy 50 ngày nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, sẽ chính thức bắt đầu, nên ông Tô Lâm và lãnh đạo Việt Nam cho rằng, không cần thiết phải gặp ông Joe Biden tại thời điểm hiện nay, vì khả năng sẽ thay đổi Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong giai đoạn hiện nay, thế và lực của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã và đang suy giảm nhanh chóng.

Trong khi, bộ phận giới chức tướng lĩnh quân đội thân Bắc Kinh, ngày càng gia tăng sức ép ráo riết hơn. Cộng với sự toa rập của giới chức ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam, đã khiến cho ông Tô Lâm và phe cánh thất bại trong một số kế hoạch lớn, mang tính bản lề.

Mới nhất, đề nghị sửa đổi Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Trung ương 10 của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã bị Ban Chấp hành Trung ương phủ quyết. Dù rằng, kế hoạch sửa đổi Điều lệ Đảng đã từng được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương, trước khi qua đời.

Đây là một thất bại, được cho là hết sức trầm trọng của ông Tô Lâm và phe cánh, trong điều kiện, một bộ phận tướng lĩnh quân đội thuộc quyền Đại tướng Phan Văn Giang, vẫn ủng hộ Tổng Bí thư Tô Lâm. Mặc dù, Tổng Bí thư Tô Lâm đương nhiên là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng trên thực tế, vẫn không kiểm soát và điều hành được quân đội.

Cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cho là đã áp dụng y chang cách thức của Tổng thống Nga Putin. Theo đó, sau khi nhận chuyển giao quyền lực từ ông Boris Elxin, ông Putin cũng sử dụng cách thức “lật hồ sơ”, moi ra các sai phạm của những lãnh đạo trong bộ máy nhà nước muốn cạnh tranh với ông, để loại bỏ họ.

Khi còn là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã nổi lên với vai trò là cánh tay phải, người thực thi các chiến dịch chống tham nhũng, của ông Trọng. Tổng Bí thư Trọng đã tin tưởng và giao quyền ông Tô Lâm làm trong sạch bộ máy Đảng. Với kho dữ liệu tình báo, về các “hồ sơ bẩn” của các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã dành phần lớn thời gian, cho việc dọn đường để tiếp quản chức Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Tô Lâm bước vào cuộc tranh giành quyền lực tối cao trong nội bộ Đảng, với một thứ duy nhất – đó là quyền kiểm soát Bộ Công an. Nguy hiểm hơn, ông nghĩ rằng, ông đã kiểm soát được chính trường, với quyền lực vô đối, để có thể tự tung, tự tác. Trong khi, một nhân vật chính trị lão luyện, với kinh nghiệm hơn 13 năm làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Tổng Bí thư Trọng, cho đến trước khi qua đời, vẫn luôn phải dựa vào sự thuyết phục được phe quân đội.

Khác với Putin, Tô Lâm đã quá vội vàng, khi ông chưa nắm được trọn quyền lực trong tay. Quyền lực Tô Lâm có được là dựa trên bạo lực của bộ máy công an, chứ không phải bằng sự thuyết phục, bằng uy tín của bản thân.

Có thể nói, giấc mộng làm Putin Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm đã bất thành?

 

Trà My – Thoibao.de