Hội luận với đảng viên ĐCSVN đang sinh sống tại nước ngoài quanh thông tin về ông Đinh La Thăng ( Phần 2)

Thoibao.de xin tiếp tục đăng tải nội dung phỏng vấn ông Nguyễn Doãn Đôn, đảng viên Đảng Cộng sản có 40 năm tuổi đảng, hiện đang sinh sống tại CHLB Đức về những vấn đề nổi cộm trong dư luận gần đây.

Cuộc trao đổi giữa Lê Trung Khoa của Thoibao.de và ông Nguyễn Doãn Đôn. 

Thưa ông, ông có nhận định gì về quy trình xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng.?

Ông Thăng là đảng viên cao cấp, hiện nay ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị Trung ương họp xử lý kỷ luật. Ở đây ta thấy một vấn đề thế này.

Nếu như trung ương không họp thì việc kỷ luật ông Thăng bao giờ mới được thi hành.? Anh có thấy điểm vô lý này không.? Ví dụ một người vi phạm luật, họ bị cơ quan điều tra kết luận có tội, chuyển cho viện kiểm sát đưa ra toà. Mỗi cơ quan pháp luật này họ có thời hạn định để phải làm việc này. Còn đây đảng viên cao cấp vi phạm thì phải chờ đến phiên họp của Trung ương mới xem xét được, còn nếu năm tháng hay một năm nữa mới đến kỳ Trung ương họp thì đảng viên ấy vẫn chưa gọi là vi phạm được.

Tất nhiên là chuyện xử lý của Đảng đối với một đảng viên cao cấp vi phạm khác với chuyện một người dân vi phạm pháp luật, bị cơ quan pháp luật xử lý. Tôi nghĩ đảng CSVN xử lý anh Thăng bằng cách đưa ra cho Ban chấp hành Trung ương bỏ phiếu quyết định là dân chủ. Nhưng thực tình tôi cũng thắc mắc là đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo, những quyết định từ Đảng hay từ những cán bộ đảng đưa ra có ảnh hưởng đến đất nước, xã hội. Tại sao lúc có chuyện gì thì cán bộ đấy lại do Đảng xử lý theo quy trình của họ mà không theo quy trình của pháp luật. ? Tức là có những quy định của Đảng còn trên cả luật pháp, và luật pháp phải tuân theo quy định đó của Đảng.?

À,  thưa anh đúng là có đôi chút như vậy. Ví dụ quy định không được đưa đảng viên ra toà xét xử. Quy đinh này thực tình đến tôi cũng không rõ nó là luật được soạn từ Quốc hội hay điều lệ được soạn từ Trung ương Đảng. Nhưng nó vẫn tồn tại và được thi hành. Bởi thế cho nên người ta thường phải khai trừ một đảng viên ra khỏi Đảng, sau đó mới cho các cơ quan tư pháp truy tố họ ra toà. Nói chung Đảng có những quy định để xử lý đảng viên, còn pháp luật thì xử lý người dân. Khi nào quy định của Đảng loại đảng viên kia thành dân thì lúc đó pháp luật mới được phép xử lý. Vì thế nhiều đơn tố cáo ông này vi phạm nọ  kia, nhưng Đảng chưa xem xét, chưa quyết định , chưa khai trừ thì ông đó chả hề sao cả, ông ấy vẫn tung tăng mà sống như bao người thôi. Việc khai trừ tuỳ theo từng cấp, ở phường có chi bộ phường. Lên đến Trung ương có Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương.

Nói tóm lại là khi bàn về cán bộ của Đảng thì cứ nói theo điều lệ, quy chế của Đảng. Đừng nói chuyện theo pháp luật phải không ạ.?

Ấy, có pháp luật chứ. Nhưng pháp luật được thực hiên sau khi Đảng thực hiện luật của mình. Như đã nói trên là khi Đảng thấy vi phạm sẽ khai trừ đảng viên ấy. Lúc đó đảng viên ấy sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy thì ở trường hợp Đinh La Thăng , chúng ta cứ phải chờ xem Trung ương Đảng giải quyết theo quy trịnh của Đảng. Ông cho biết vụ việc này có thể sẽ diễn biến thế nào.

Thường thì Ban kiểm tra Trung ương xem xét, họp kiểm điểm đối tượng. Nếu đối tượng nhận sai, có bản kiểm điểm đúng với những nội dung Ban kiểm tra Trung ương đề ra. Mọi việc sẽ dễ dàng, thuận lợi. Còn nếu đối tượng không nhận những nội dung ấy là đúng, có phản biện lại thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Lúc này những người chủ định kỷ luật đối tượng phải dùng nhiều biện pháp gây sức ép, buộc đối tượng phải nhận. Những sức ép này là những thủ thuật chính trị, không nhất định theo quy định nào cả. Đôi khi họ có thể sửa luôn cả điều lệ , quy định của Đảng để  áp dụng vào việc kỷ luật đối tượng nào đó. Ví dụ như trước kia trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị phải đưa ra Trung ương xem xét có kỷ luật hay không kỷ luật. Giờ thì Trung ương bị giới hạn quyền lực hơn, Trung ương chỉ có quyền quyết định kỷ luật theo mức nào. Theo tôi nghĩ thì ở vụ anh Thăng , các mức kỷ luật sau sẽ được đưa ra để Trung ương bỏ phiếu quyết.

1- Khiển Trách

2- Cảnh Cáo

3- Cắt Chức

4- Khai Trừ

5- Không ý kiến.

Tuy thế những cũng chưa rõ khi các Uỷ viên Trung ương bỏ phiếu rồi, ban kiểm phiếu công bố, người ta sẽ tính thế nào. Ví dụ có 30 phiếu khiển trách, 20 phiếu cảnh cáo, 10 phiếu cắt chức, 5 phiếu khai trừ, 5 phiếu không ý kiến. Trong trường hợp này họ sẽ chọn 30 khiển trách là con số lớn nhất để áp dụng cho anh Đinh La Thăng,  hay họ sẽ tổng hợp tất cả lại rồi lấy ra mức chung là cảnh cáo hoặc cắt chức theo cách tính nào đó của họ. Chuyện này phải đợi Trung ương họp rồi mới biết.

Cám ơn anh đã trả lời thẳng thắn những suy nghĩ của mình. Thoibao.de rất mong sẽ được hợp tác làm việc với anh nhiều hơn nữa tới đây. Xin chúc anh sức khoẻ dồi dào.

Không có gì, là một đảng viên và cũng là một công dân Việt Nam. Tôi luôn muốn quê hương mình được những điều tốt đẹp. Chào anh.

Sổ đóng Đảng phí và Quyết định điều động công tác của đảng viên Nguyễn Doãn Đôn

Trung Khoa – Thoibao.de

Căng thẳng Trung ương 5 – AI SẼ VỀ SÀI GÒN THAY THẾ ÔNG ĐINH LA THĂNG ?