Việc kỷ luật Lê Minh Khái là có liên quan đến bà Trương Thị Mai

Việc Tô Lâm cho trảm ngay 4 lãnh đạo cấp cao, sau khi vừa nhậm chức Tổng Bí thư, được cho là “giết gà để dọa khỉ”, đồng thời cho thấy, tình trạng đấu đá ở thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Đáng chú ý, trong 4 nhân vật lãnh đạo bị xử lý đợt này, có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, cựu Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Khái đang giữ các chức vụ Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, trước khi bị kỷ luật.

Thông cáo của kỳ họp thứ 45 Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 8/8, kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có vi phạm trong dự án Khu đô thị Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, cơ quan này đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kỷ luật ông Khái, do có liên quan đến đất đai, nhận hối lộ, và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Theo giới thạo tin, ông Khái đã nhận khoảng 2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan – chủ Dự án Khu đô thị Đại Ninh.

Trước đó, vào tháng 4/2024, vụ việc tại dự án Đại Ninh đã khiến Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, bị bắt giam và khởi tố.

Vẫn theo giới thạo tin, một trong những lý do Tô Tổng Chủ cho xử lý Phó Thủ tướng Khái ngay trong ngày đầu nhậm chức, có liên quan đến bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người đã bị xử lý kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 9, khóa 13.

Theo đó, bà Mai đã nhiều lần thúc ép và đe dọa các lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, buộc họ phải tiếp tay cho đại gia Nguyễn Cao Trí và bà “trùm” Trương Mỹ Lan.

Đổi lại, bà Trương Thị Mai được ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, biếu một biệt thự khủng ở Sài Gòn, với trị giá khoảng 2 triệu USD, từ tiền hối lộ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hơn thế nữa, theo giới thạo tin, bà Mai được cho là “bà trùm”, là tổng chỉ huy bộ máy chính trị của tỉnh Lâm Đồng.

Bà Trương Thị Mai từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách lớn, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị mất chức.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế cho rằng, bà Trương Thị Mai xin nghỉ vì đã quá chán ngán, và không chịu nổi áp lực của cuộc đấu đá nội bộ, giữa các “đồng chí” của mình, đặc biệt sự lộng hành của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Theo BBC, dù Tổng Trọng muốn giữ bà ở lại, nhưng nhận lại câu trả lời: “Tôi không được khỏe và tôi đã mỏi mệt với trò chơi quyền lực này rồi”.

Đó là lý do, trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15, vào ngày 20/5, theo kế hoạch, có nội dung bầu 2 chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội bị bỏ trống, bà Mai dứt khoát bảo lưu ý kiến, nếu bị ép vào ghế Chủ tịch Quốc hội, thì sẽ xin nghỉ ngay lập tức.

Theo giới thạo tin, bà Trương Thị Mai sợ ông Tô Lâm phật ý, nổi xung, và sẽ ra tay với bà, như đã từng xử lý Vương Đình Huệ.

Cuối cùng thì bà Mai cũng “chạy Trời không khỏi nắng”, tại Hội nghị Trung ương 9, ngày 16/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã “xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13”.

Theo Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, bà Trương Thị Mai là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, bà Mai đã có một số vi phạm, khuyết điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.

Theo thông báo của Đảng, thì, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, bà Trương Thị Mai đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác. Đây là một trong những bằng chứng để khẳng định rằng, không có bất kỳ một lãnh đạo Đảng và nhà nước nào, từ Trung ương đến địa phương, trong sạch cả.

 

Trà My – Thoibao.de